TTO - Đây là một hi vọng cho nhân loại khi các quốc gia có liên quan đã thống nhất được một thỏa thuận thành lập khu bảo tồn với qui định ngặt nghèo nhằm bảo vệ đại dương và nguồn sinh vật.

Chim cánh cụt ở biển Ross - Ảnh: AFP

Sau nhiều năm thương lượng, dự án thành lập khu bảo tồn sinh thái biển lớn nhất thế giới tại Nam Cực đã được nhất trí ngày hôm nay 28-10 tại Úc, trong khuôn khổ cuộc họp thường niên của Ủy ban bảo tồn sinh thái biển Nam Cực (CCAMLR) tại Hobart, bang Tasmanie.

Đây là dự án do Mỹ và New Zealand khởi xướng nhưng đã được thông qua nhờ Nga quyết định không phủ quyết dự án nữa. Nga là nước thành viên cuối cùng nhất trí với dự án này sau khi phản đối những nội dung liên quan đến quyền đánh bắt tại vùng biển này. 

Quyết định này được các bên đánh giá là "mang tính lịch sử".

Ông Evan Bloom, trưởng phái đoàn Mỹ, cho biết phía Mỹ đã tích cực làm việc để thuyết phục được Nga gật đầu.

"Dự án này không chỉ quan trọng cho Nam Cực mà còn cho việc bảo vệ các đại dương trên thế giới nói chung", ông Evan Bloom giải thích với hãng tin AFP.

Trong khi đó có nguồn tin cho rằng Nga đã thay đổi ý kiến vì chính quyền Matxcơva đã tuyên bố năm 2015 là "Năm môi trường của Nga" và nước này sẽ có những động thái tích cực vì môi trường.

Theo dự án, khu bảo tồn nằm trong vùng Biển Ross ở Nam Cực, trải rộng tới 1,55 triệu km2, trong đó 1,12 triệu km2 là vùng cấm đánh bắt hải sản.

Biển Ross được đặt tên theo nhà hàng hải người Anh James Clark Ross (1800-1862) vốn là người đã phát hiện ra vùng biển này vào năm 1841.

Bộ trưởng Ngoại giao New Zealande Murray McCully cho biết dự án bắt đầu được thảo luận từ năm 2012 và đã phải có một số thay đổi để tất cả các thành viên CCAMLR nhất trí thông qua.

Tuy nhiên, thỏa thuận cuối cùng cân bằng các yếu tố: bảo vệ môi trường biển, đánh bắt bền vững và những lợi ích nghiên cứu khoa học. Thỏa thuận này sẽ có giá trị trong 35 năm.

Vùng Biển Nam Cực, chiếm 15% diện tích đại dương trên hành tinh, là nơi có được đa dạng sinh học nhất trên thế giới, với hơn 10.000 loài sinh vật sinh sống, trong đó có những loài chỉ có ở vùng biển này. 

Các nhà khoa học cho biết việc thành lập khu bảo tồn trên cũng sẽ giúp cho việc tìm hiểu về tác động của biến đổi khí hậu. 

Các thành viên CCAMLR gồm 24 nước và Liên minh châu Âu (EU). Các quyết định của ủy ban này chỉ có hiệu lực khi được sự đồng thuận của tất cả các thành viên. 

Cũng tại cuộc họp, một dự án khác do Pháp và Úc khởi xướng cũng được đưa ra thảo luận, nhưng không được thông qua do không còn thời gian họp bàn. Đó là dự án bảo tồn liên quan đến một vùng biển rộng khoảng 1 triệu km2 nằm phía Đông Nam Cực